[tintuc] Nhận thấy bà con vẫn còn lúng túng trong việc sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng, Bác sĩ cây trồng hy vọng qua bài này sẽ cung cấp những kiến thức
cơ bản về các chất điều hòa sinh
trưởng và những hiểu biết trong việc sử dụng chất điều hòa sinh trưởng có hiệu quả.
Mong bà con bổ sung và nâng cao nhận thức để việc chăm sóc bón phân cho
cây trồng đạt hiệu quả cao nhất.
Chất điều hòa sinh trưởng thực vật (còn gọi là
các hocmon sinh trưởng) là những chất được sinh ra trong cây để điều khiển các
quá trình sinh trưởng phát triển của cây. Trong suốt đời sống, cây phải trải
qua nhiều giai đoạn phát triển như nảy mầm, lớn lên, ra hoa, kết quả. Các chất
điều hòa sinh trưởng giúp cây tiến hành các giai đoạn này một cách cân đối hài
hòa theo đặc tính và quy luật phát triển của cây với liều lượng rất thấp. Mỗi
giai đoạn được điều khiển bởi một nhóm chất nhất định. Ở thời kỳ sinh trưởng
lớn lên có nhóm chất kích thích sinh trưởng. Tới mức độ nhất định cây tạm ngừng
sinh trưởng để chuyển sang thời kỳ phát triển ra hoa, kết quả thì có nhóm chất
ức chế sinh trưởng được hình thành.
Các Chất điều hòa sinh trưởng
tự nhiên được chia thành 2 nhóm chính:
-
Nhóm chất kích thích sinh trưởng có các chất Auxin (Acid Indolacetic (IAA), (-Naptilacetic -NAA),
(-Naptilacetic -NAA) và Acid Indolbutilic (IBA), Gibberellin (GA) và Cytokinin.
-
Nhóm chất ức chế sinh trưởng có acid Absicic, Ethylen và
các hợp chất Phenol.
1. Nhóm
chất kích thích sinh trưởng
1.1. Nhóm Auxin có tác dụng: Kích thích phân chia và kéo dài tế bào; Cần thiết cho sự hình
thành rễ, kích thích ra rễ; Kích thích sự lớn lên của bầu quả.
Trong giâm cành và chiết cành của các loại cây như cây ăn quả, cây công
nghiệp, cây cảnh, cây thuốc thường sử dụng các chất kích thích sinh trưởng Auxin. Ðể xử lý ra rễ người ta thường dùng các chất như:
Axit β- indol axetic (IAA); Axit β-indol butiric (AIB); ∝-NAA; 2,4-D; 2,4,5-T... Nồng độ sử dụng tùy thuộc vào phương pháp ứng dụng, đối tượng sử dụng và mùa vụ.
Hiện nay có 2 phương pháp chính xử lý cho cành giâm và cành chiết.
- Phương pháp xử lý ở nồng độ đặc hay phương pháp xử lý nhanh. Phương pháp
xử lý nồng độ đặc có hiệu quả cao hơn cả đối với hầu hết các đối tượng cành
giâm và nồng độ hiệu quả cho nhiều loại đối tượng là 4.000 - 6.000 ppm. Với
cành chiết thì sau khi khoanh vỏ, tẩm bông bằng dung dịch chất kích thích đặc
rồi bôi lên trên chỗ khoanh vỏ, nơi sẽ xuất hiện rễ bất định. Sau đó bó bầu
bằng đất ẩm. Phương pháp này có ưu điểm là hiệu quả cao vì gây nên “cái xốc
sinh lý” cần cho giai đoạn đầu của sự xuất hiện rễ.
- Xử lý ở nồng độ loãng - xử lý chậm. Nồng độ chất kích thích sử dụng từ 50
- 100 ppm tùy thuộc vào loài và mức độ khó ra rễ của cành giâm. Ðối với cành
giâm thì ngâm phần gốc của cành vào dung dịch từ 12 - 24 giờ, sau đó cắm vào
giá thể. Ðối với cành chiết thì trộn dung dịch vào đất bó bầu để bó bầu cho
cành chiết. Để biết được nồng độ cụ thể cho từng loại cây vui lòng liên hệ
0988.666.215 để được tư vấn miễn phí, ví dụ có thể dùng NAA để chiết nhãn với
nồng độ 20ppm và chiết cam, quýt với nồng độ 10 -15ppm cho kết quả tốt. Việc
xác định nồng độ và thời gian xử lý thích hợp từng loại chất điều hòa sinh
trưởng trên từng loại cây trồng trong việc giâm, chiết cành cần được nghiên cứu
một cách kỹ lưỡng mới cho kết quả tốt.
1.2. Nhóm Gibberellin (GA) có hàng chục chất khác nhau, nhưng thông dụng nhất là từ GA1 đến GA5,
trong đó GA3 có tác dụng mạnh nhất. Gibberellin có tác dụng kích thích sự phát
triển của tế bào theo chiều dọc; Kích thích sự sinh trưởng và phát triển của
cây theo chiều cao, làm thân vươn dài, giúp hình thành các chồi nách nhiều hơn;
Làm mất hạt của quả, phá giai đoạn ngủ nghỉ của hạt để kích thích hạt nảy mầm;
Tăng số lượng lá, thay đổi hình dạng và tăng diện tích của lá; Kìm hãm sự phát
triển của bộ rễ; Kích thích ra hoa, kéo dài cuống hoa, giúp hoa to hơn. Tuy
nhiên Gibberellin chỉ phát huy tốt tác dụng khi cây trồng có đầy đủ dinh dưỡng
N, P, K. Cytokinin được cây tổng hợp từ một bộ phận của rễ và từ rễ vận chuyển
lên các bộ phận khác của cây. Người ta đã chiết xuất được Cytokinin từ hạt ngô
(bắp) non.
1.3. Nhóm Cytokinin có tác
dụng kích thích sự phân chia tế bào (đặc biệt trong trường hợp kết hợp với
Auxin); Kích thích chồi phát triển; Hạn chế quá trình phân huỷ diệp lục tố;
tăng độ nhớt của tế bào từ đó tăng tính chống chịu của cây với nhiệt độ cao,
hạn hán, phèn mặn, độc tố, nấm và vi sinh gây bệnh; Ngăn cản sự hoá già của mô
(làm cho hoa, rau, trái cây tươi lâu hơn).
2. Nhóm
chất kích thích sinh trưởng
2.1. Nhóm Absisic Acid có tác dụng ức chế sự phát triển của cây (có thể dùng để phun nhằm hạn chế
sự ra hoa của mía, làm mía rụng lá hàng loạt để thu hoạch thuận lợi); Ức chế
quá trình nảy mầm của hạt (dùng bảo quản hạt giống lâu dài), ức chế quá trình
phát triển của chồi và hoa (giúp ra hoa muộn, ra trái vụ); Tăng khả năng chống
chịu với các điều kiện bất thuận của cây (kích thích đóng khí khổng, làm hạn
chế thoát hơi nước khi cây gặp hạn).
2.2. Nhóm Etylen có tác
dụng kìm hãm sự phát triển của lá, kìm hãm sự phân chia tế bào; Kích thích quá
trình già của lá và rụng lá trên cây; Kích thích cây ra hoa sớm (dứa, khóm);
Kích thích quá trình chín của quả và phát triển của hạt và củ; Kích thích quá
trình vận chuyển nhựa của cây (cao su).
Khoa học phát triển, các nhà khoa học đã điều chế ra các chất ĐHST nhân tạo
mang nhiều lợi ích cho trồng trọt như kích thích nảy mầm của hạt giống, kích
thích ra rễ (giâm cành, chiết cành), kích thích sinh trưởng, kích thích ra hoa
đậu quả, đến tạo quả không hạt, kích thích quá trình chín hay kéo dài thời gian
chín của quả... dùng Etylen để kích thích ra hoa ở dứa hay kích thích chảy mủ
cao su. Ethrel hay Ethephon dùng trong việc kích thích ra hoa sớm, ra trái vụ ở
xoài và cây ăn trái.
Các chất điều hòa sinh trưởng mang lại nhiều bổ ích. Tuy nhiên việc sử dụng
chúng như con dao 2 lưỡi, để đạt được kết quả tốt nhất Bác sĩ cây trồng khuyến
cáo sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng cần đảm bảo 4 yêu cầu: Đúng loại,
đúng cách, đúng nồng độ và đúng thời kỳ của cây. Nguyên lý trên được áp dụng
cho tất cả các cây trồng, các loại đất cũng như các điều kiện khác nhau. Còn
nếu chúng ta không áp dụng 4 đúng trên sẽ không có tác dụng hoặc tác dụng
ngược. Vì vậy, khi áp dụng cần thực hiện đúng theo hướng dẫn.
Bác sĩ cây trồng - ThS. Bùi Văn Hiệu
[/tintuc]